Và lập tức, từ 6h sáng 14/10 – thời điểm công điện có hiệu lực – trên mặt báo và không gian mạng đã tràn ngập hình ảnh những dòng người nườm nượp đổ tới các hàng phở và quán cà phê tại thành phố, kèm theo những chia sẻ hồ hởi rằng họ dậy từ rất sớm để kịp đón “ngày hội ăn phở – uống cà phê” ấy ngay từ những phút đầu. Cũng không khó hiểu, khi một bát phở sáng lại được hào hứng đón nhận đến vậy. Chúng gắn với thói quen “bát phở mở tấm lòng” của người Hà Nội từ nhiều năm qua. Và, dù có thể mua mang về từ vài tuần trước, với rất nhiều người, phở chỉ hấp dẫn khi được bán tại quán, để chúng ta tạt vào buổi sáng, làm một bát trước khi tính tới một ngày dài cả cho cuộc sống và công việc. Rồi cà phê cũng vậy. Cuộc sống hiện đại không thiếu cà phê đóng hộp lẫn cà phê chế biến sẵn, vậy nhưng cộng đồng vẫn cần những quán chuyên bán loại đồ uống ấy để họ ghé vào, không hẳn chỉ thưởng thức cà phê mà còn trò chuyện, giao tiếp hoặc thậm chí là tìm kiếm ít phút thư giãn cho mình.
Quán phở Thìn trên phố Lò Đúc phục vụ không quá 50% công suất, đảm bảo khoảng cách cho khách và có tấm chắn. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN Cũng giống như các rạp hát, bảo tàng đã được mở cửa hay hệ thống xe bus – được phép vận hành từ giữa tuần qua – những dịch vụ và tiện ích ấy là biểu trưng của một phần bức tranh đô thị sống động trước khi có dịch. Tồn tại từ hàng chục năm nay, chúng gắn với thói quen được mặc định của rất nhiều người, để rồi theo quán tính cũ, ta dễ bồn chồn, trông đợi và không muốn thay thế chúng bằng những lựa chọn khác trong quãng thời gian giãn cách. Chỉ có điều, khi cuộc chiến với đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, những thói quen ấy vẫn phải gắn với sự tự kiềm chế của mỗi người, thay cho tâm lý “xả hơi” nhằm hưởng thụ những tiện ích bị gác lại trong những ngày qua. Đó là câu chuyện đã được nhắc tới quá nhiều nhưng không bao giờ vô nghĩa, khi bệnh dịch còn đang tồn tại *** Nhưng, nếu nhìn ở hướng ngược lại, chuỗi ngày đặc biệt vừa qua hẳn cũng phần nào để lại những thói quen mới hình thành trong cách sống của mọi người. Đơn cử, rất nhiều người trong chúng ta đã dần quen với sự thoải mái, xuề xòa khi làm việc tại nhà theo hình thức online, thay vì lên công sở. Cộng cùng quỹ thời gian dư dả cho phép ta theo đuổi thêm những sở thích, những mối bận tâm vốn khó thực hiện trong nhịp sống trước đây,chắc chắn nhiều người cũng có chút ngần ngại khi nghĩ tới việc phải quay lại với nếp sống cũ, ở một guồng máy cũ như bao năm từng có. Dù là thói quen ngủ trưa vừa có trong chuỗi ngày qua, là sự ung dung để tự thưởng cho mình một lon bia ngay bên màn hình máy tính hay chỉ là tâm lý chủ động sẵn sàng ngừng làm việc nếu không… có hứng, những sự “buông thả” tạm thời ấy rõ ràng cũng đến lúc phải kết thúc để nhường chỗ cho kỷ luật làm việc.