Tại cuộc họp trực tuyến, Sở Y tế Gia Lai cho biết ngày 2/2 tỉnh ghi nhận thêm 1 ca dương tính, nâng tổng số ca bệnh lên 13 ca. Hiện các bệnh nhân được tập trung tại 1 trung tâm y tế có 50 giường để điều trị. Đáng chú ý là 12 trong số 13 bệnh nhân dương tính không có dấu hiệu lâm sàng.
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết năng lực xét nghiệm tại Gia Lai chỉ đủ cho vùng 4 huyện thị đang có dịch, từ tối 1/2 phát sinh việc tạm phong tỏa và xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, gây ùn ứ xét nghiệm.
Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 tại Gia Lai đa số không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có 1 trường hợp có triệu chứng tiêu hoá… Những trường hợp F0 khi xét nghiệm đều nằm trong khu cách ly.
Gia Lai đang là tỉnh có nguy cơ cao nhất hiên nay.
Đặc thù ở Gia Lai việc lấy mẫu khó vì 4 huyện đều là miền núi vùng sâu vùng xa, cán bộ khó lấy hết, người dân thường né tránh… nên việc lấy mẫu khá vất vả. Hiện cơ bản người dân đã hiểu biết hy vọng sẽ lấy mẫu được nhiều hơn.
Chuyên gia Bộ Y tế lưu ý, Gia Lai đang là tỉnh có nguy cao nhất. Do ca bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 18/1, đã được 14 ngày và khả năng đã lây được 4 chu kỳ. Hiện nay, số người trên chuyến xe chở bệnh nhân đầu tiên tại Gia Lai đều dương tính với virus.
Trước những khó khăn của Gia Lai, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều động đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 lên Gia Lai.
Bộ đề nghị giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cử 1 đội phản ứng nhanh hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai với các thành viên gồm chuyên gia về hồi sức tích cực, kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền nhiễm của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu: “Bệnh viện chưa có lây nhiễm chéo nên sẽ không phong tỏa bệnh viện Gia Lai. Bên cạnh đó Gia Lai cần phải thiết lập bệnh viện Dã chiến thật nhanh”.
Tất cả các trường hợp nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân cần lấy mẫu xét nghiệm ngay, đưa đi cách ly tập trung ngay lập tức, làm sạch bệnh viện để đưa bệnh viện hoạt động trở lại, hoặc đưa nhân viên y tế đến nơi khác. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân như đề nghị.
“Ngày mai, Bộ sẽ cử đoàn vào trực tiếp chỉ đạo, Bệnh viện Bạch mai cử chuyên gia vào để thành lập bệnh viện dã chiến. Riêng bệnh viện dã chiến chỉ làm 1 nơi tập trung ở trung tâm tỉnh, không làm dưới huyện vì không có nhân lực. Việc này phải làm thật nhanh. Bộ Y tế cũng sẽ cử đội truy vết của Đà Nẵng điều lên hỗ trợ cho Gia Lai.
Hiện Gia Lai đang tiến hành các biện pháp chống dịch rất chậm chạp, dù có Viện VSDT tại địa phương nhưng vẫn chậm, trong khi đây là vấn đề phải làm càng nhanh càng tốt, ưu tiên đầu tiên là F1″, Bộ Trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu Viện VSDT Trung ương cử đội về cắm chốt tại chỗ giúp truy vết ca bệnh, đội xét nghiệm Viện Pasteur TP HCM cũng khẩn trương xuống hỗ trợ vì những ngày tới sắp Tết đồng bào đón Tết sẽ rất quan ngại.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai thông báo khẩn;
Người dân đã đến các địa điểm sau:
+ Trạm y tế xã Ia Mlăh, huyện Krông Pa, từ lúc 14h00 ngày 27/01/2021 đến nay.
+ Trạm Y tế xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa; từ 12h00, ngày 28/01/2021 đến nay.
+ Siêu thị Cường Mi, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, từ ngày 29/01/2021 đến nay.
+ Tiệm gội đầu của hộ Phạm Thị Vân, thôn Mới, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, từ 13h 00 ngày 29/01/2021 đến nay.
+ Hàng rau, thịt, khoai của chợ Chư Rcăm, huyện Krông Pa, từ 13h 00 ngày 29/01/2021 đến nay.
+ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, từ ngày 29/01/2021 đến nay.