0:23 phút ngày 16/10/2021 (giờ địa phương), từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, tên lửa vũ trụ Trường Chinh 2F của Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 13 lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO).
Sứ mệnh của Thần Châu 13 là kết nối với mô-đun Thiên Hà, sau đó để phi hành đoàn 3 người gồm chỉ huy tàu Zhai Zhigang, nữ phi hành gia Wang Yaping và Ye Guangfu làm việc 6 tháng tại mô-đun này để tiến hành xây dựng và lắp ghép Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSS) tên Thiên Cung, Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc thông tin.
Sau 6,5 giờ bay, tàu Thần Châu 13 đã kết nối thành công với mô-đun lõi Thiên Hà. Bộ ba phi hành gia Trung Quốc sẽ có khoảng thời gian 6 tháng làm việc tại đây. Đây cũng là khoảng thời gian ở ngoài không gian dài nhất của các phi hành gia Trung Quốc.
VÌ SAO TRUNG QUỐC PHÓNG THẦN CHÂU LÚC NỬA ĐÊM?
Câu hỏi mà giới truyền thông đặt ra là: Tại sao sứ mệnh không gian mới nhất của Trung Quốc lại được phóng vào lúc nửa đêm? Liệu có yếu tố quân sự gì ở đây không?
Lý giải điều này, tờ South China Morning Post cho hay, thực ra việc Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 13 lúc 0:23 phút ngày 16/10 nằm trong tính toán cực kỳ kỹ lưỡng của Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc.
Lý do là để giúp tàu Thần Châu kết nối với mô-đun lõi của Trạm Vũ trụ Trung Quốc Thiên Cung một cách hiệu quả nhất. Nghĩa là, cần phải canh chuẩn thời gian mô-đun Thiên Hà bay qua bầu trời tại bãi phóng Tửu Tuyền nhằm đạt được hiệu suất nhiên liệu tối đa.
Một nguồn tin ở Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền cho biết, thời điểm này đã được chọn sau nhiều lần mô phỏng và tính toán. Việc lựa chọn phóng cẩn thận này được thực hiện nhằm giảm thiểu thời gian tàu Thần Châu 13 phải “đuổi theo” mô-đun Thiên Hà đang quay xung quanh Trái Đất tại vùng quỹ đạo tầm thấp LEO.
Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền cũng cho biết thêm, thậm chí tại vị trí cổng kết nối giữa tàu Thần Châu 13 cũng phải đảm bảo cách tiếp cận theo chiều dọc với mô-đun lõi Thiên Hà – Một kỹ thuật được cho là phức tạp hơn nhiều so với việc kết nối theo chiều ngang đã thành công trước đó của tàu Thần Châu 12.
Hình ảnh tên lửa vũ trụ mang theo tàu Thần Châu 13 tại bãi phóng ở Tửu Tuyền trước khi thực hiện sứ mệnh bay. Nguồn: Reuters
Ngoài ra, Thần Châu 13 cũng phải thực hiện một đường bay thấp hơn để cập bến với mô-đun lõi Thiên Hà từ bên dưới. “Việc kết nối này khó khăn hơn nhiều vì Thần Châu 13 sẽ phải điều chỉnh quỹ đạo, tốc độ và hướng của nó cùng một lúc”.
Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc cho hay, tàu vũ trụ Thần Châu 13 sẽ phải tăng tốc để đạt đến quỹ đạo chính xác của mà mô-đun Thiên Hà đang bay và sau đó quay 90 độ để định vị ở một góc vuông so với Thiên Hà, sau đó xoay và kết nối hoàn toàn với mô-đun lõi này.
Tháng trước, chuyên gia Xie Yongchun thuộc Viện Kiểm soát và Lực đẩy của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, nói với đài truyền hình CCTV rằng mô phỏng này giúp kiểm tra xem các cảm biến gắn trên đế có hoạt động chính xác hay không.
Tàu vũ trụ Thần Châu 13 cập bến với mô-đun lõi Thiên Hà. Ảnh: Shutterstock
Giáo sư Quentin Parker, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không gian tại Đại học Hồng Kông, cho biết việc kết nối tàu vũ trụ với một mô-đun trong không gian là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang bắt kịp các cường quốc không gian khác.
Ông cho biết Trạm Vũ trụ Quốc tế “trưởng thành” hơn vì “nó có nhiều mô-đun hơn được gắn ở tất cả các vị trí khác nhau. Nhưng Trung Quốc cũng đang từng bước chứng minh các công nghệ không gian của mình”.
Sứ mệnh Thần Châu 13 thành công đã thiết lập 3 kỷ lục cho Trung Quốc, bao gồm: (1) Sứ mệnh không gian có thời gian dài nhất của con người cho đến nay của riêng Trung Quốc; (2) Có nữ phi hành gia đầu tiên sinh sống và làm việc ngoài không gian (nữ phi hành gia 41 tuổi Wang Yaping); (3) Đồng thời Wang Yaping cũng sẽ là nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc đi bộ ngoài không gian, trong khuôn khổ làm việc tại mô-đun Thiên Hà 6 tháng của mình.
Bài viết sử dụng nguồn: SCMP